Giới thiệu: Đầu thế kỷ XXI, tại Mỹ, có một cuốn sách nhan đề Hồ Chí Minh, cuộc đời được xuất bản. Đó là một cuốn tiểu sử dày 704 trang, được giới Việt Nam học và người đọc khen ngợi, đánh giá cao. Tác giả là William J. Duiker, một học giả hàng đầu về cuộc đời Hồ Chí Minh.
Ông là một trong những lãnh tụ cách mạng lớn của thế kỷ XX, và ông đã giúp thay đổi một thời đại. Trong những năm 1920 và 30, ông là một trong những người chủ yếu phê phán chủ nghĩa thực dân, một tiếng nói đơn độc và thường là bị phớt lờ. Trong những năm 1940 và 50, ông đã tổ chức bộ máy chính trị và quân sự chấm dứt vĩnh viễn sự cai trị thực dân của Pháp trên toàn cõi Đông Dương - và giáng một đòn chí mạng vào huyền thoại về sự thống trị toàn cầu của người da trắng. Trong những năm 1960 và đầu những năm 70, bộ máy này đã chống trả được sự tấn công dữ dội của sức mạnh quân sự kinh hoàng nhất mà thế giới từng biết: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Mặc dù là một thành viên của khối cộng sản lâu năm hơn Mao Trạch Đông và là nguồn cổ vũ của hàng chục triệu người trên thế giới, Hồ Chí Minh vẫn là một nhân vật huyền bí. Ông sống ở hải ngoại nhiều năm và có những thời kỳ hoạt động bí mật ở trong nước. Trong khoảng thời gian lưu trú qua nhiều nơi đó ông đã dùng nhiều bí danh khác nhau. Nhiều tác phẩm quan trọng của ông đã được viết ra dưới những cái tên đó, và chỉ mãi gần đây các nhà nghiên cứu ở Hà Nội mới có thể khẳng định đó là các tác phẩm do Hồ Chí Minh viết. Trên hết, ông Hồ luôn luôn giữ kín những sự kiện chính trong đời mình, dường như ông thấy thích thú khi lảng tránh được sự chú ý của mọi người. "Tôi thích giữ lại một ít điều bí mật cho riêng mình", ông đã nói vậy với Bernard Fall, một nhà nghiên cứu Việt Nam, năm 1962. Điều khá ngạc nhiên là suốt những năm từ khi ông mất (1969) không có một cuốn tiểu sử đầy đủ nào của ông xuất hiện.
Phải đợi cho đến nay. William J. Duiker, người từng làm việc trong đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn những năm 1960 và là một tác giả hàng đầu về lịch sử hiện đại Việt Nam, đã viết cuốn Hồ Chí Minh, nghiên cứu cả cuộc đời từ lúc sinh đến lúc mất của nhà lãnh đạo Việt Nam và thời đại của ông. Đây là một công trình được chờ đợi từ lâu, kết quả của nhiều năm lục tìm các kho lưu trữ ở một số nước.
Duiker biết rõ là ông đang phải đương đầu với những thách thức dễ làm thoái chí khi sục vào những chi tiết của cuộc đời phức tạp và hấp dẫn này, và quả thực một số thách thức đó lớn đến mức khó vượt qua được. Điều này giải thích vì sao trong sách có những giai đoạn cuộc đời ông Hồ được viết rất kỹ, nhưng có giai đoạn lại rất sơ sài. Nó cũng giải thích vì sao đời tư Hồ Chí Minh vẫn nằm ngoài sự nghiên cứu của chúng ta, một nhân vật khó nắm bắt, và vì sao tác giả kết thúc cuốn sách dày này bằng những câu hỏi để ngỏ về bản chất của ông Hồ cũng như vai trò chính xác của ông trong cuộc đấu tranh trước là chống Pháp, sau là chống Mỹ. Dẫu thế, Hồ Chí Minh vẫn là một công trình học thuật lớn, một đóng góp rất quan trọng cho mảng sách báo viết không chỉ về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, mà cả về lịch sử của chủ nghĩa thực dân. Đây là bản tường trình đích xác nhất về cuộc đời ông Hồ mà bao lâu nay chúng ta mong đợi.
Lòng yêu nước của ông Hồ, chúng ta biết, có từ sớm. Sinh năm 1890 với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, giữa tuổi thanh xuân của mình, ông đã lên tiếng phản đối sự thống trị của người Pháp ở Việt Nam. Năm 1911, khi biết cảnh sát Pháp đã đánh hơi thấy những hoạt động chính trị của mình, ông Hồ rời nước ra đi, sống ở nhiều vùng khác nhau (có một thời gian ở Mỹ) trước khi dừng chân ở London vào lúc Thế chiến I nổ ra. Ba năm sau ông đến Paris, tại đây ông đã gặp chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi đọc "Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lênin, ông đã thốt lên: "Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta!". Năm 1924, trong một bài viết đăng trên báo Pravda, ông Hồ đã ca ngợi Lênin vừa mới mất là người đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân thuộc địa bị áp bức.
Vậy ông Hồ là người dân tộc chủ nghĩa hay người cộng sản? Câu hỏi này từ lâu đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu Chiến Tranh Việt Nam, nhưng Duiker đã nhận xét đúng rằng đó là câu hỏi sai: ông là cả hai. Sự phân biệt giữa "nhà dân tộc chủ nghĩa" và "nhà cách mạng" không phải là điều ông bận tâm. Đồng thời, Duiker cho thấy ông Hồ cơ bản và trước hết là nhà yêu nước. Độc lập dân tộc là mục tiêu không bao giờ rời khỏi tâm trí ông; đó là cái đầu tiên đưa ông đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Hồ Chí Minh hiện lên trong những trang sách này là một nhà thực tiễn, một người tin vào nghệ thuật của cái có thể, một nhà thương thuyết. Ông trở thành người chống lại chủ nghĩa thực dân nhờ học thuyết của Lênin và ông thành thực tin rằng chủ nghĩa cộng sản là con đường tốt nhất để phát triển đất nước ông. Nhưng đó luôn luôn là đất nước ông. Nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hơn hết là phải giải phóng Việt Nam khỏi nạn ngoại xâm; nếu chủ nghĩa cộng sản thế giới có thành công đâu đó trong một tương lai xa hơn, như thế lại tốt hơn.
Năm 1954, sau thất bại thảm hại của Pháp tại Điện Biên Phủ, nhiệm vụ hàng đầu này dường như đã hoàn thành, nhưng không phải thế. Pháp có thể đã bị bại trận, nhưng một cường quốc phương Tây đã lại nhảy vào cuộc. Người đọc nào hy vọng tìm thấy ở đây nhiều tư liệu về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam sẽ thất vọng. Trong cuốn sách gần 600 trang văn bản, chỉ có khoảng hơn chục trang nói về giai đoạn giữa lúc bắt đầu cuộc chiến tranh mở rộng vào giữa năm 1965 và cái chết của Hồ Chí Minh bốn năm sau đó. Giai đoạn này là đỉnh cao của cuộc chiến. Thử so sánh, giai đoạn 1923-24, lúc ông Hồ hoạt động ở Liên Xô, chiếm tới 30 trang. Duiker giải thích sở dĩ số trang nói về những năm 1960 ngắn ngủi thế là vì ảnh hưởng của ông Hồ trong các quyết định của Hà Nội giai đoạn này đã sút giảm, khi sức khỏe của ông yếu đi và vai trò của các nhân vật khác (đặc biệt là Lê Duẩn) tăng lên.
Điều thú nhận của Duiker khá khôn khéo, nhưng nó cũng cho thấy ông Hồ vẫn là người có vai trò quan trọng ít nhất cho đến năm 1967, nhất là ở tài ngoại giao của ông cho Bắc Việt Nam. Duiker mở đầu cuốn sách bằng câu nói về ông Hồ những năm 1960 là "động lực chính và nhà chiến lược" của Hà Nội.
Hiện nay, ba thập niên sau khi ông mất, Hồ Chí Minh vẫn là một sức mạnh lớn ở Việt Nam, như người viết bài này đã được chứng kiến đầu năm nay khi quan sát đám đông người Việt Nam xếp hàng đợi viếng lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Được hàng triệu người tôn kính, ông chắc chắn cũng bị vô số người khác căm ghét. Chính quyền của ông đã tỏ ra hết sức tàn bạo, như trong cuộc cải cách ruộng đất vào giữa những năm 1950 khiến nhiều nghìn người bị chết hoặc bị giam cầm.
Bản thân ông có lẽ cũng đã tính nhầm, nhất là khi ông cứ kiên trì tin rằng các tổng thống Mỹ - từ Woodrow Wilson trở đi - có thể trở thành đồng minh giúp ông giành lại độc lập cho Việt Nam. Tuy nhiên, như cuốn sách này cho thấy, ông Hồ là người duy nhất hiện thân cho khát vọng sâu xa về độc lập dân tộc và công bằng xã hội và kinh tế của đông đảo người Việt Nam. Ông là một nhân vật phi thường trong lịch sử thế giới hiện đại, và ở William Duiker ông đã có được một nhà viết tiểu sử đáng giá của mình.
Link download: HCM, một cuộc đời (Đã tải: lần)
Nguồn: Internet
No comments:
Post a Comment