Kiên bạch là một học thuyết thời Chiến Quốc. Bấy giờ có hai phái: một
phái gọi là «Ly kiên bạch» ( cứng và trắng cách ly nhau ), đứng đầu là
Công Tôn Long. Ông phân tích «kiên bạch thạch» (đá trắng cứng) rằng kiên
và bạch cách biệt nếu ta chạm vào hoặc nhìn vào hòn đá. Còn phái kia
gọi là «Doanh kiên bạch» (cứng và trắng bất khả phân), đứng đầu là Mặc
Tử. Ông cho rằng kiên và bạch đều là thuộc tính của đá, nên chúng bất
khả phân.
XVIII- Chung thủy - hữu vô (48-65)
XIX - Kiên bạch - đồng dị (66-73)
- Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, là vì đã có cái xấu; đều biết tốt là tốt, là vì đã có cái không tốt. Cho nên có và không sinh ra nhau, khó và dễ thành tựu cho nhau, dài và ngắn tạo hình thể cho nhau, cao và thấp làm nghiêng nhau, âm và thanh hoà nhau, trước và sau theo nhau.
- Cái gì khiếm khuyết sẽ được làm cho toàn vẹn. Cái gì cong sẽ được làm cho ngay. Cái gì trũng sẽ được làm cho đầy. Cái gì cũ sẽ được làm cho mới. Có ít sẽ được thêm. Có nhiều sẽ mê muội.
- Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là chủ của xao động.
- Giỏi đi thì không lưu dấu vết xe. Giỏi nói thì không để bị chỉ trích. Giỏi đếm thì không dùng que đếm. Giỏi đóng cửa dù không có then chốt mà không ai mở được. Giỏi thắt dây dù không có dây nhợ mà không ai cởi được.
- Vật lớn mạnh ắt già.
- Muốn làm cho cái gì chùng, trước hết phải căng nó ra cho thẳng. Muốn làm cho cái gì suy yếu, trước hết phải giúp cho nó mạnh thêm. Muốn vứt bỏ cái gì, trước hết phải làm cho nó hưng vượng. Muốn tước đoạt cái gì của nó, trước hết phải tặng nó cái gì đó.
- Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền.
- Đạo sáng, dường như tăm tối. Đạo tiến, dường như thoái lui. Đạo bằng phẳng, dường như gồ ghề. Đức cao tột dường như hang cốc. Trắng tinh dường như hoen ố. Đức dầy dăn dường như khiếm khuyết. Đức chắc khoẻ dường như mềm yếu. Chất phác trinh thuần dường như biến đổi. Hình vuông lớn không góc. Vật dụng lớn lâu hoàn thành. Tiếng lớn nghe không thấy. Tượng lớn không có hình. Đạo ẩn nơi không tên.
- Cái ngay thẳng lại biến thành gian trá, cái thiện lại biến thành gian tà.
- Những kẻ hứa hẹn bừa bãi, sẽ khó giữ được lời. Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó.
- Chính vì thánh nhân không tranh với ai, nên trong thiên hạ không có ai tranh với ngài.
- Chỉ ai không màng cai trị thiên hạ là mới đáng được giao thiên hạ cho mà thôi.
- Trắng tinh phải làm như bị hoen ố; đức dày phải làm như còn khiếm khuyết.
- Cả đời nói, mà chưa từng nói gì; cả đời không nói, mà chưa từng không nói gì.
- Gậy dài một thước, mỗi ngày chặt một nửa, chặt hoài suốt đời cũng không hết cây gậy này.
- Cái đã dài thì ta đừng cho là quá dài; và cái đã ngắn cũng đừng cho là quá ngắn.
- Cái tạo ra vật (tức Đạo) không có sự hạn chế với vật, nhưng vật có sự hạn chế. Đó gọi là sự hạn chế của vật. Cái giới hạn của cái không giới hạn là cái không giới hạn của cái giới hạn.
- Ai có bề ngoài trịnh trọng thì bên trong vụng về kém cỏi.
- Về mặt khác nhau mà xét thì vạn vật [khác nhau] ví như gan với mật, hay nước Sở với nước Việt. Về mặt giống nhau mà xét thì vạn vật đều là một.
- Cái mà ta bàn luận được là phần thô của vật; cái mà ta dùng ý niệm để đạt được là phần tinh tuý của vật. Cái không thể bàn luận được của lời nói và cái không thể đạt được của ý niệm thì không liên can phần tinh hay thô của vật.
- Theo phương diện Đạo mà xét, vật chẳng quý chẳng tiện. Từ bản thân của vật mà xét, mỗi vật tự cho mình quý và coi vật khác là tiện. Từ quan điểm thế tục mà xét, quý và tiện không nằm tại bản thân sự vật. Từ sự khác biệt của vật mà xét, do tầm cỡ lớn mà cho rằng chúng lớn thì vạn vật chẳng thứ nào mà không lớn; do tầm cỡ nhỏ mà cho rằng chúng nhỏ thì vạn vật chẳng thứ nào mà không nhỏ.
- Cái cực tinh tế thì vô hình, cái cực lớn thì không thể bị [cái khác] vây bọc được.
- [Chỉ có] thời gian trôi đi thì không thể bắt đầu lại và không thể dừng lại, [còn các thứ nào] tiêu vong và phát khởi, đầy và rỗng, hễ chúng tận cùng thì sẽ trở lại ban đầu.
- Theo xu hướng thiên hạ cho điều gì là đúng mà ta bảo là đúng, thì vạn vật cái gì cũng đúng; theo xu hướng thiên hạ cho điều gì là sai, thì vạn vật cái gì cũng sai.
- Càng nhiều con trai, càng thêm lo sợ. Càng giàu có, càng lắm sự sinh. Càng sống lâu, càng thêm nhục.
- Biết mình ngu tức không phải là quá ngu; biết mình bị dối lừa tức không bị lừa dối nhiều.
- Tiểu nhân của Trời là quân tử của người; quân tử của người là tiểu nhân của trời.
- Người ta không soi bóng vào mặt nước trôi chảy, mà chỉ soi bóng vào mặt nước yên tĩnh. Chỉ có nước yên tĩnh mới có thể làm mọi người dừng lại để tìm sự yên tĩnh.
- [Bất cứ vật gì] đang sống là đang chết, đang chết là đang sống; có thể là không thể, không thể là có thể. Nguyên do đúng là nguyên do sai, nguyên do sai là nguyên do đúng.
- Trong mỗi sự phân tích có cái không phân tích được; trong mỗi sự biện luận có cái không biện luận được.
- Người ở nơi sáng sủa không thấy được vật gì trong bóng tối; người ở nơi tối có thể thấy được sự vật rất bé nhỏ trong ánh sáng.
- Chỉ thuần thông minh sẽ không thành công; chỉ thuần tối tăm sẽ gặp việc trái ý muốn. Vừa sáng vừa tối là cách làm mọi việc.
- Mắt sắp mờ thì trước tiên hãy nhìn vật cực bé, tai sắp điếc thì trước tiên hãy nghe tiếng muỗi bay vo ve. [...] Cho nên sự vật chưa phát triển đến chỗ cùng cực thì chưa quay trở lại.
- Muốn nó cứng thì lấy mềm giữ nó; muốn nó mạnh thì lấy yếu bảo vệ nó.
- Sự và lý trong thiên hạ không bao giờ đúng mãi hay sai mãi. Có thứ ngày trước áp dụng mà nay có người bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi thì ngày sau có người áp dụng.
- Bắt được chim là nhờ ở một mắt lưới; nhưng cái lưới chỉ có một mắt lưới thì không thể bắt được chim.
- Vào nước ghét bị ướt, ôm giữ cái hôi thối cầu mong được thơm tho, điều đó là không thể.
- Mặt trời không biết đến đêm tối, mặt trăng không biết đến ban ngày. Mặt trời và mặt trăng cho ánh sáng nhưng không thể cùng biết ban ngày và ban đêm của nhau.
- Nước mặc dù yên tĩnh nhưng cũng có lúc gợn sóng, cái cân mặc dù thăng bằng nhưng cũng có lúc sai lệch.
- Có được quân binh vạn người không bằng nghe được một lời nói đúng đạo lý; có được ngọc châu Tùy Hầu không bằng có được nguyên do của sự việc; có được ngọc bích của họ Hoà không bằng có được sự thích đáng của sự việc.
- Có khi tán dương ai mà làm cho hắn bị thất bại; có khi hủy báng ai mà làm cho hắn được thành công.
- Sự đời, có khi tước đoạt ai cái gì thì trái lại làm cho họ được tặng cái khác; có khi cho ai cái gì thì trái lại ta nhận được cái khác.
- Núi sinh vàng, trái lại nó bị tổn hao (do người ta khai thác vàng); gỗ sinh mối mọt, trái lại nó bị mọt ăn mòn; người phát sinh sự rắc rối, trái lại tự làm hại bản thân.
- Căn cứ cái gần mà suy luận ra cái xa xôi, căn cứ việc nhỏ mà biết việc lớn.
- Một cây khô không làm mất dáng vẻ sum suê um tùm của rừng cây dày đặc.
- Nước sông ngòi không thể đổ đầy một đồ vật để chứa nước mà không có đáy.
- Tì vết nhỏ không đủ để làm hại đồ vật lớn.
- Kẻ kiến thức thiển lậu hễ thấy mây bay về hướng tây thì nói mặt trăng đi về hướng đông.
- Thiên hạ có khởi điểm. Khởi điểm ấy là mẹ thiên hạ. Đã được mẹ thì biết con. Đã biết con thì trở về giữ mẹ. Cho đến chết, thân cũng không gặp nguy.
- Cẩn thận lúc cuối như lúc đầu, sẽ không hư việc.
- Có cái khởi đầu. Có cái khởi đầu trước cái khởi đầu đó. Có cái khởi đầu trước cái khởi đầu trước khi có cái khởi đầu đó.
- Nhiễm Cầu hỏi Khổng Tử: «[Thưa thầy], ta có thể biết trước khi có trời đất thì thế nào không?» Khổng Tử đáp: «Biết được. Xưa và nay cũng như nhau.» Nhiễm Cầu không hỏi thêm, và rút lui. Tuy nhiên, hôm sau ông gặp Khổng Tử và hỏi: «Hôm qua con hỏi thầy rằng ta có thể biết trước khi có trời đất thì thế nào không. Thầy trả lời là biết được, xưa cũng như nay. Hôm qua con dường như hiểu rõ thầy, nhưng hôm nay con tăm tối. Con xin thầy giải thích điều này.» Khổng Tử đáp: «Hôm qua anh dường như hiểu rõ ta vì cái thần của anh đoán được câu trả lời của ta. Hôm nay anh dường tăm tối vì anh không ở trong trạng thái có thần và cố tìm ý nghĩa. Trong vấn đề này, không có xưa cũng không có nay, không có khởi đầu cũng không có chấm dứt. Lẽ nào có con cháu trước khi có con cháu khác?»
- Có khởi đầu phải có kết thúc, có sống phải có chết.
- Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên thường không có dục để nhìn thấy chỗ vi diệu của sự vật. Thường có dục, để nhìn thấy chỗ giới hạn của sự vật.
- Vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ Có, và Có sinh ra từ Không.
- Có và Không sinh ra lẫn nhau.
- Vũ trụ có Hữu, có Vô, có Cái-trước-khi-có-Vô, có cái trước khi có Cái-trước-khi-có-Vô. Trong một khoảnh khắc có Hữu có Vô nhưng chưa biết giữa Hữu và Vô này rốt cuộc cái nào đích thực là Hữu, cái nào đích thực là Vô. Như bây giờ tôi đã nói một lời, nhưng chưa biết cái lời tôi đã nói rốt cuộc là có lời nói hay không có lời nói?
- Quang Diệu hỏi Vô Hữu: «Thưa ngài, ngài tồn tại hay không tồn tại?» Không thấy Vô Hữu trả lời, Quang Diệu bèn nhìn dung mạo của Vô Hữu: đó là một sự trống rỗng mờ mịt. Suốt ngày Quang Diệu nhìn nó nhưng không thấy gì, lắng nghe nó nhưng không nghe thấy gì, tóm chặt nó nhưng không nắm được gì. Quang Diệu bèn hỏi: «Hay lắm! Ai có thể đạt tới điều này? Tôi có thể có ý niệm về Vô và Hữu, nhưng tôi chưa có ý niệm về Vô Vô (cái Không không tồn tại). Vậy ắt vẫn còn có Vô Hữu (cái Có không tồn tại). Làm sao đạt được điều này?»
- Thời hết sức xa xưa chỉ có Vô, không có Hữu, và không có tên. Từ Vô đến Hữu thì Một sinh ra trước hết. Một tuy tồn tại nhưng không có hình dáng.
- Căn cứ vào cái nó vốn có mà nói nó có, thì vạn vật không gì là không có; căn cứ vào cái nó vốn không có mà nói nó không có, thì vạn vật không gì là không không có.
- Có sinh, có tử, có xuất, có nhập. Xuất nhập nhưng không thấy hình thể, đó gọi là Thiên Môn (Cửa Trời). Thiên Môn là Vô Hữu (Không Có). Vạn vật phát sinh từ Vô Hữu. Cái có không thể phát sinh từ Hữu, mà phát sinh từ Vô Hữu. Nhưng chính Vô Hữu cũng không có. Thánh nhân giấu tâm trong cái Vô Hữu này.
- Cái có sở dĩ có là nhờ cậy cái không mà sinh ra. Sự việc sở dĩ có là do cái không mà thành. Hễ có thể nói mà không dùng lời, gọi tên mà không cần tên, xem mà không cần hình thể, nghe mà không cần âm thanh, thì bấy giờ Đạo được toàn vẹn.
- Vạn vật trong thiên hạ đều sinh từ cái có, mà cái khởi đầu của có chính là không, tức là lấy không làm gốc.
- Cái vô hình và vô danh là tông tổ (tổ tiên, gốc gác) của vạn vật.
- Vạn vật có muôn hình trạng, nhưng chúng đều trở về Một. Làm sao để đạt tới cái Một này? Phải thông qua Vô mới thực hiện được điều đó. Từ Vô mà sinh ra Một, Một có thể gọi là Vô. Kiên bạch là một học thuyết thời Chiến Quốc. Bấy giờ có hai phái: một phái gọi là «Ly kiên bạch» (cứng và trắng cách ly nhau), đứng đầu là Công Tôn Long. Ông phân tích «kiên bạch thạch» (đá trắng cứng) rằng kiên và bạch cách biệt nếu ta chạm vào hoặc nhìn vào hòn đá. Còn phái kia gọi là «Doanh kiên bạch» (cứng và trắng bất khả phân), đứng đầu là Mặc Tử. Ông cho rằng kiên và bạch đều là thuộc tính của đá, nên chúng bất khả phân.
- Người khác không hiểu mà cố làm cho họ hiểu, tức là giống như lấy cái thuyết «kiên bạch» để đẩy họ vào chỗ tối tăm.
- Trang Tử bảo Huệ Thi: «Nay ông đã sử dụng cái thần của mình như thể nó ở ngoài thân, đã lao nhọc tinh lực của mình; cứ dựa cây mà ngâm nga; cứ bám gốc cây ngô đồng mục nát mà ngủ. Trời đã lựa cho ông tấm thân này, thế mà ông cứ tranh tranh cãi cãi nào là kiên với bạch.»
- Gà có ba chân. Kinh đô Dĩnh [của nước Sở] gồm thâu thiên hạ. Chó có thể là dê. Ngựa có trứng. Cóc nhái có đuôi. Lửa không nóng. Núi phát ra từ miệng. Bánh xe không lăn trên mặt đất. Mắt không thấy. Ngón tay chỉ đồ vật nhưng không chạm nó. Nơi anh đến không phải là kết thúc. Rùa dài hơn rắn. Cái ê-ke thợ mộc không vuông. Cái com-pa không thể tròn. Cái đục không xoay quanh cái mộng. Bóng chim đang bay chưa từng động. Mũi tên bay nhanh, có lúc nó không bay cũng không dừng. Chó không là chó. Ngựa vàng và bò đen là ba con. Chó trắng thì đen. Ngựa mồ côi thì không bao giờ có mẹ. Cây gậy dài một thước, mỗi ngày lấy đi một nửa, thì muôn đời cũng không lấy hết.
- Cái cực lớn và không có gì ở ngoài nó thì gọi là Đại Nhất. Cái cực nhỏ và không có gì ở trong nó thì gọi là Tiểu Nhất. Cái không có bề dày và không thể bị chồng lên thì lớn một ngàn dặm. Trời thấp như đất. Núi ngang với đầm. Mặt trời đứng bóng thì nghiêng. Vật vừa sinh là vừa chết. Sự đại đồng (giống nhau nhiều) khác với sự tiểu đồng (giống nhau ít), đó gọi là «tiểu đồng dị» (sự khác biệt của sự giống nhau ít). Mọi vật hoàn toàn giống nhau hay hoàn toàn khác nhau, đó gọi là «đại đồng dị» (sự khác biệt của sự giống nhau nhiều). Phương nam vô cùng tận mà lại cùng tận. Hôm nay tôi đến nước Việt và hôm qua tôi đến đó. Vật liên kết có thể bị tách rời ra. Tôi biết trung ương của thiên hạ: nó ở phía bắc nước Yên và phía nam nước Việt. Hễ yêu khắp vạn vật, thì trời và đất hợp thành một thể.
- Kết hợp các điểm khác biệt thì thành sự đồng nhất, phân tán sự đồng nhất thì thành các điểm khác biệt.
- Người chết đuối đã vào trong nước; kẻ cứu vớt hắn cũng vào trong nước. Hàng động vào trong nước là giống nhau, nhưng nguyên nhân thì khác nhau.
- Lạnh cũng run rẩy, sợ cũng run rẩy. Hai việc này cùng tên gọi mà thực trạng thì khác nhau.
- Sự vật tuy khác mà giống, tuy giống mà khác; tuy sai mà đúng, tuy đúng mà sai. Cái mà người quân tử không lo rầu thì người bình thường lại lo rầu.
Nguồn: Internet
No comments:
Post a Comment