Thiên hạ không có gì lớn bằng cái đầu chiếc lông của chim và thú vào
mùa thu; còn núi Thái thì nhỏ. Không có gì sống lâu bằng đứa trẻ chết
non; còn ông Bành Tổ thì chết yểu. Trời đất với ta cùng sinh ra; vạn vật
với ta là một.
IV - Tuân Đạo - quý Đức (1-19)
V - Dưỡng sinh - tị hại (20-44)
VI - Tri mệnh - thủ nhất (45-68)
VII - Hư tĩnh - cầu chân (69-83)
- Đại Đạo trôi nổi, nó có thể đi sang trái hay phải. Vạn vật nương vào nó mà sinh, nhưng nó không từ chối vạn vật. Sự đã thành, nhưng nó không tự xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài nhưng nó không cho mình là chủ, và thường không ham muốn. Có thể gọi tên nó là nhỏ; muôn vật trở về nó mà nó không coi mình là chủ, nên có thể gọi tên là lớn. Thánh nhân suốt đời không cho mình là lớn, cho nên thành được việc lớn của mình.
- Đạo Trời như giương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu. Đạo người chẳng vậy, bớt thiếu bù dư. Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ? Phải chăng chỉ có người có Đạo? Cho nên thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy tài mình.
- Bậc đắc đạo ngày xưa thì tinh vi, huyền diệu, thông đạt; thâm thúy khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục. Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong. Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt. Kẻ giữ đạo không muốn đầy. Chỉ vì không muốn đầy, nên mới che giấu và chẳng đổi mới.
- Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn). Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội rễ là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là trường cửu. Biết «trường cửu» mới là sáng suốt. Không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa. Biết «trường cửu» sẽ thung dung như công hầu vương tước, sẽ hợp với Trời với Đạo. Hợp Đạo rồi sẽ trường cửu: thân có mất đi, cũng chẳng nguy hại gì.
- Những vật xưa được Đạo: Trời được Đạo, nên trong. Đất được Đạo, nên yên. Thần được Đạo, nên linh. Hang được Đạo, nên đầy. Vạn vật được Đạo, nên sống. Hầu vương được Đạo, nên trị vì thiên hạ.
- Đạo là bí quyết muôn loài, là kho báu của người tốt, là chỗ bảo bọc cho người không tốt. Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng; mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người. Nhờ Đạo mà những kẻ bất lương không bị ruồng rẫy. Cho nên lập thiên tử, lập tam công tuy tay cầm ngọc bích, tuy thân ngồi xe tứ mã, nhưng vẫn không bằng ngồi mà đưa Đạo vào bản thân mình và vào người khác. Người xưa quí Đạo là vì sao? Há chẳng có lời rằng: Cầu Đạo thời được, có tội thời được khỏi sao? Cho nên Đạo quí nhất thiên hạ.
- Có đạo trời cũng có đạo người. Vô vi mà tôn quý, đó là đạo trời. Hữu vi [lao tác] mà lụy thân, đó là đạo người. Cái chính yếu là đạo trời, cái phụ trợ là đạo người. Đạo trời và đạo người xa nhau. Điều đó không thể không xem xét rõ vậy.
- Đạo là khởi nguyên của vạn vật. Vật nào mất đạo thì chết, được đạo thì sống, nghịch đạo thì thất bại, thuận đạo thì thành công. Cho nên, thánh nhân rất quý trọng sự hiện hữu của Đạo.
- Đạo vốn không hợp với hành vi nhỏ mọn; đức vốn không hợp với thành kiến hẹp hòi. Thành kiến hẹp hòi làm hại đức; hành vi nhỏ mọn làm hại đạo. Cho nên nói: Phải sửa mình, thế thôi. Bảo toàn được chân tính để vui sướng gọi là đạt được chí nguyện.
- Người biết đạo ắt sẽ thông đạt sự lý. Người thông đạt sự lý sẽ hiểu rõ sự quyền biến. Người hiểu rõ sự quyền biến ắt không để vật chất làm hại thân.
- Đạo thường vô vi nhưng không gì không làm. Thánh nhân ôm ấp đạo trong lòng. Nguyên do ở đâu? Vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình. Không có gì khác. Tích chứa điều thiện để thành đức, thì mình sẽ trở thành thần minh. Cho nên, dù có ai xung đột gây gỗ với mình thì mình cũng không trách họ.
- Đạo rốt cuộc là không thể đắc. Cái có thể đắc thì gọi là đức chứ không gọi là đạo. Đạo rốt cuộc là không thể vận dụng. Cái có thể vận dụng được thì gọi là hành chứ không gọi là đạo. Thánh nhân có thể vận dụng cái khả đắc (tức là đức) và cái khả hành (tức là hành) nên giỏi về sự sống. Thánh nhân có thể vận dụng cái bất khả đắc bất khả hành (tức là đạo) nên giỏi về sự chết.
- [Người có] đạo lớn và chân thực lấy thì tiết tháo khắc khổ và hành vi chính trực làm điều quan trọng; không vọng cầu ở người khác; không tự tôn mà phóng túng; chỉ mong là người không dám buông trôi theo đời và đắm say thế tục.
- Đạo sinh vạn vật, đức dưỡng chúng, vật chất cho chúng hình, hoàn cảnh tác thành chúng. Cho nên vạn vật đều tôn đạo, quí đức. Sự cao trọng của đạo đức chẳng nhờ ai ban, mà đạo đức tự nhiên vốn đã cao trọng. Cho nên đạo sinh, đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh ra vạn vật mà không nhận chúng là sở hữu của mình; làm mà không cậy công; làm cho chúng phát triển mà không đòi làm chủ tể. Đó gọi là đức sâu dày.
- Bậc thượng đức không tỏ ra là có đức, nên có đức. Người hạ đức câu nệ vào đức, nên vô đức. Bậc thượng đức thì vô vi và không lụy sự việc. Người hạ đức có lao tác và lụy sự việc. Bậc thượng nhân có lao tác nhưng không lụy sự việc. Bậc thượng nghĩa có lao tác nhưng lụy sự việc. Bậc thượng lễ có lao tác; nhưng hễ không được người khác hưởng ứng, thì xắn tay áo lôi kéo người theo. Cho nên mất đạo thì xét đến đức. Mất đức thì xét đến nhân. Mất nhân thì xét đến nghĩa. Mất nghĩa thì xét đến lễ. Mà lễ là lòng trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là khởi đầu cho loạn lạc. Không biết mà nói rằng biết, đó là hào nhoáng của đạo và là khởi đầu của ngu si. Cho nên bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nhoáng. Đó là bỏ cái kia (hào nhoáng, mỏng mảnh) mà giữ cái này (dày dặn, thực chất).
- Người đức dày, [tâm hồn nhiên] như trẻ sơ sinh. Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.
- Nếu không khắc chế tâm mà tính cách vẫn cao thượng, không bàn nhân nghĩa mà vẫn có sự tu dưỡng, không có công danh mà thiên hạ vẫn thịnh trị, không ngao du sông hồ mà vẫn nhàn tản, không luyện hô hấp mà vẫn sống lâu, quên hết mà vẫn có đủ, điềm đạm và tĩnh lặng cực độ mà mọi điều tốt đẹp tuân theo mình; người như thế đã đạt được đạo của trời đất và đức của thánh nhân. Cho nên nói: «Điềm đạm, tĩnh lặng, hư vô, vô vi, đều là các đức tính nhằm duy trì sự quân bình của trời đất, mà chúng cũng là tính chất của đạo và đức.» Cho nên nói: «Thánh nhân nghỉ ngơi ắt tâm sẽ bình dị (quân bình dễ chịu). Bình dị ắt sẽ điềm tĩnh. Bình dị và điềm tĩnh ắt sẽ không lo lắng và bệnh hoạn, tà khí sẽ không xâm nhập. Do đó, đức của ngài toàn vẹn và thần của ngài không thương tổn.»
- Bậc chí đức vào lửa không nóng, vào nước không chìm, nóng lạnh không hại được, cầm thú không hại chết nổi. Nó không có nghĩa là ngài coi thường những thứ ấy, mà nghĩa là ngài xem xét rõ giữa an và nguy, điềm tĩnh trước phúc và họa, cẩn thận khi tiến thoái. Cho nên không thứ gì có thể hại được ngài. Do đó nói: «Trời bên trong, người bên ngoài. Đức ở trời. Nếu ai biết sự vận hành của trời và người thì lấy trời làm gốc mà lập thân ở đức, thì người đó có thể tiến thoái, co duỗi, trở về cái thiết yếu mà luận bàn sự cực hạn của đạo.»
- Bậc chí tâm theo đạo không vì những nghịch cảnh mà thay đổi chí hướng của mình; người giữ sự thuần chính không vì không được tán thưởng khen ngợi mà cẩu thả tự buông trôi theo thế tục.
- Nghe nói rằng người khéo giữ gìn sự sống đi trên đường không gặp tê giác và hổ; vào trong quân lữ không cần mang áo giáp và binh khí. Vì tê giác không có chỗ nào để húc; hổ không có chỗ nào để vấu; binh khí không có chỗ nào để chém. Tại sao? Vì họ không có chỗ chết.
- Năm màu khiến người mù mắt. Năm âm thanh khiến người điếc tai. Năm vị khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải hiếm khiến bản thân bị hại khi đi đường. Bởi vậy, sự đối trị của thánh nhân là vì bụng, không vì mắt. Nên bỏ cái kia, lấy cái này.
- Thánh nhân từ bỏ sự cực đoan, xa xỉ, và cao sang.
- Nhắm mắt và ngậm miệng, suốt đời không vất vả. Mở miệng và hoàn thành sự việc, suốt đời không cứu được. Thấy được tế vi mới là minh, giữ được mềm yếu mới là cường. Dùng ánh sáng của đạo, để quay về sự quang minh của đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu.
- Cái tinh túy của chí đạo (đạo cực cao) thì mịt mịt mờ mờ, cái tột đỉnh của chí đạo thì thâm u lặng lẽ. Đừng thấy gì, đừng nghe gì, và hãy giữ cho thần tĩnh lặng, thì hình thể của ngươi sẽ tự chỉnh lý đúng đắn. Hãy giữ sự thanh tĩnh đó, đừng lao nhọc thân xác, đừng dao động tinh thần thì ngươi sẽ trường sinh. Mắt không thấy, tai không nghe, tâm không biết, thì thần của ngươi sẽ giữ được hình thể, rồi hình thể sẽ trường sinh. Cẩn thận hoạt động nội tâm của ngươi, ngăn bế những gì từ ngoại giới xâm nhập vào ngươi, nhiều tri thức sẽ thất bại. [...] Trời đất có các cơ quan chưởng quản, âm dương có chỗ tàng chứa. Hãy cẩn thận giữ gìn thân thể, mọi thứ trong ngươi sẽ tự lớn mạnh.
- Nay ta nói về thói đời cho ngươi nghe: mắt ưa nhìn nữ sắc, tai muốn nghe âm nhạc, mồm thích nếm mỹ vị, chí khí muốn thỏa mãn. Con người thượng thọ là 100, trung thọ là 80, hạ thọ là 60. Trừ đi những lúc bệnh, suy nhược, chết chóc, tang ma, âu lo, hoạn nạn, còn lại là những lúc có thể mở miệng cười thì trong một tháng giỏi lắm là vui cười được bốn năm ngày. Trời và đất vô cùng, kiếp người hữu hạn. Đem cái hữu hạn mà gởi gấm khoảng vô cùng, khác gì cái hình ảnh ngựa kỳ ngựa ký chạy vút qua khe cửa. Kẻ không thể thỏa mãn được ý chí và không biết bảo dưỡng cho trường thọ thì không phải là người thông hiểu đạo vậy.
- Kẻ coi trọng sinh mệnh, tuy phú quý nhưng không để sự cung dưỡng làm hại thân, tuy bần tiện nhưng không để cái lợi làm lụy hình hài. Người đời nay làm quan cao tước lớn, coi trọng sự mất chức tước. Thấy cái lợi mà khinh suất để mất thân mình, như vậy không phải là mê muội hay sao?
- Kẻ thông hiểu được sự sống thì không mong cầu cái vô dụng cho sự sống; kẻ thông hiểu được vận mệnh thì không mong cầu cái vượt ngoài phạm vi hiểu biết. Muốn nuôi thân trước tiên phải có lương thực. Nhưng có người điều kiện vật chất sung túc mà hình thể vẫn không nuôi dưỡng tốt. Để có sự sống thì trước hết không được rời bỏ hình. Nhưng có kẻ không rời bỏ hình mà vẫn mất sự sống. Sự sống bắt đầu thì ta không thể từ khước, khi sự sống mất đi thì ta không thể ngăn nó lại. Buồn thay! Người đời cứ cho rằng hễ nuôi dưỡng thân thể là giữ được sự sống. Nếu nuôi thân thể mà không đủ để giữ được sự sống, sự đời còn gì đáng làm đâu? Tuy nó không đáng làm mà ta không thể không làm, thế là không tránh khỏi khổ lụy. Muốn tránh việc nuôi dưỡng thân thể thì chẳng gì bằng từ bỏ thế gian. Từ bỏ thế gian thì khỏi khổ lụy. Không khổ lụy thì tâm sẽ quân bình thuần chính. Quân bình thuần chính thì sẽ có sự sống mới. Có sự sống mới là tiếp cận với đạo.
- Nói chung, cái mà thiên hạ tôn quý là giàu có, sang trọng, sống lâu, điều thiện. Cái mà họ vui thích là yên thân, vị ngon, quần áo đẹp, sắc đẹp, âm thanh hay. Cái mà họ khinh bỉ là sự nghèo túng, hèn hạ, chết yểu, điều ác. Cái mà họ đau khổ là thân không được an nhàn, miệng không thưởng thức vị ngon, thân không mặc quần áo đẹp, mắt không trông thấy sắc đẹp, tai không nghe được âm thanh hay. Kẻ nào không có được các thứ ấy thì lo buồn sợ sệt. Cứ vì thân thể như vậy thật là ngu xuẩn. Kẻ giàu có, lao khổ thân xác, làm lụng miệt mài, tích lũy nhiều của nả mà không được hưởng hết. Cứ vì thân thể như vậy là lo cái bề ngoài. Kẻ sang trọng, hết đêm tới ngày lo toan nghĩ ngợi chuyện tốt xấu, hay dở. Cứ vì thân thể như vậy là xa đạo thường hằng. Cuộc đời mỗi người cùng đi đôi với lo rầu. Dù sống lâu thì thần trí cũng lú lẫn, mụ mẫm vô dụng, lại buồn mãi vì sống lâu thế mà không chết đi. Ôi sao mà khổ vậy! Cứ vì thân thể như vậy cũng là xa đạo thường hằng.
- Buồn vui làm hại đức; mừng giận làm hại đạo; yêu ghét làm mất đức. Cho nên tâm chớ âu lo hay vui mừng, đó là chí đức. Tinh ròng chuyên nhất không thay đổi, đó là chí tĩnh. Không xung đột với ai, đó là chí hư. Không giao tiếp sự vật, đó là chí đàm (vô cùng yên lặng). Không chống đối ai, đó là chí túy (rất tinh tuý). Cho nên nói: Lao nhọc thân xác miệt mài thì sinh ra điều tệ hại; tinh lực dùng liên tục thì lao tổn. Hễ lao tổn thì kiệt quệ.
- Đời người hữu hạn, mà tri thức thì vô hạn. Lấy cái hữu hạn mà truy cầu cái vô hạn, nguy hại thay! Biết thế mà vẫn cứ truy cầu tri thức, như vậy càng nguy. Làm thiện thì không nổi danh, làm ác thì bị trừng phạt. Noi theo cái trung dung mới là thường đạo (chính đạo); nhờ đó ta có thể bảo thân, giữ vẹn sinh mệnh, phụng dưỡng song thân, và hưởng trọn tuổi già.
- Người giỏi dưỡng sinh giống như kẻ chăn dê: quan sát con nào lạc phía sau và quất roi vào chúng.
- Bỏ việc đời, thân xác sẽ không lao nhọc; quên cuộc sống, tinh thần sẽ không hao tổn. Hình thể được bảo toàn và tinh thần được hồi phục thì thiên nhân hợp nhất.
- Thân thể con người khác nào một đất nước: ngực và bụng là cung điện phòng thất, tứ chi là ngoại thành, xương cốt và các quan tiết là bách quan, nếp nhăn trên da là các ngã tư đường, thần là vua, máu huyết là bầy tôi, khí là dân chúng. Cho nên bậc chí nhân trị được thân mình cũng như minh quân cai trị được đất nước. Hễ yêu quý dân thì yên định đất nước, hễ yêu quý khí thì bảo toàn được thân. Dân khốn khổ điêu linh thì vong quốc, khí suy nhược thì thân tàn tạ. Cho nên bậc chí nhân thượng sĩ dùng thuốc trước khi bị bệnh, chứ không để sau khi bị nguy hại rồi mới tìm cách chạy chữa. Thế mới biết: sinh mệnh khó bảo toàn mà dễ mất, khí khó trong thanh mà dễ đục. Nếu có thể tra xét và tùy cơ ứng biến, thì có thể khắc chế thị dục và bảo toàn tính mệnh.
- Người giỏi dưỡng sinh, trước tiên phải trừ khử sáu mối hại, sau đó mới có thể sống lâu trăm tuổi. Sáu cái hại là gì? [và cần phải làm gì?] Một là phải coi thường danh lợi; hai là phải cấm chỉ âm nhạc và nữ sắc; ba là chớ tham lam của cải tiền bạc; bốn là phải giảm bớt thức ngon vị béo; năm là phải trừ bỏ lời nói khéo léo xảo trá; sáu là phải trừ khử sự ganh ghét đố kỵ. Sáu điều hại không trừ khử, thì phép tu dưỡng thân tâm chỉ vô hiệu thôi.
- Cho nên để bảo vệ sự hài hoà và giữ vẹn chân tính thì phải: ưu tư ít, vọng niệm ít, cười ít, nói ít, vui ít, giận ít, sướng ít, sầu ít, ham ít, ghét ít, việc ít, cơ mưu ít. Hễ ưu tư nhiều thì thần tán loạn, vọng niệm nhiều thì tâm lao tổn, cười nhiều thì phủ tạng lộn ngược, nói nhiều thì khí hải thoát hết tinh, vui nhiều thì bàng quang bị tà phong chướng khí bên ngoài xâm nhập, giận nhiều thì mặt da xuất huyết, sướng nhiều thì tâm thần tà vạy phóng đãng, sầu nhiều thì đầu tóc tiều tụy khô héo, ham nhiều thì chí khí phát tiết dễ sinh tà niệm, ghét nhiều thì tinh hư hoại chạy mất, việc nhiều thì gân mỏi mạch khô cạn, mưu nhiều thì trí lự chìm đắm mê muội. Các thứ đó chặt đứt sinh mệnh con người, sắc bén còn hơn rìu búa, làm tổn hại sinh mệnh con người còn dữ tợn hơn sài lang.
- Đừng ngồi lâu, đừng đi bộ lâu, đừng nhìn lâu, đừng nghe lâu, không đói thì chớ cố ép ăn, không khát thì chớ cố ép uống. Không đói mà cố ép ăn thì tỳ lao tổn; không khát mà cố ép uống thì bao tử trướng. Thân thể phải thường lao động; ăn phải thường ăn ít. Lao động chớ quá độ; ăn ít chớ để tới đói. Sáng mùa đông đừng để bụng rỗng; tối mùa hạ đừng ăn no. Dậy sớm thì đừng dậy trước khi gà gáy; dậy trễ thì chớ dậy sau khi mặt trời mọc. Tâm có quán xét sửa chữa thì chân thần mới giữ nguyên vị trí (không đi mất). Khí có định thì các thứ xấu mới xuất ra khỏi thân thể. Hành vi lừa dối trí trá thì quỷ thần ghét, hành vi cạnh tranh thì linh tánh bị ngăn trở. Khinh khi và làm nhục người khác thì tuổi thọ bị giảm nhiều ngày. Giết hại loài vật thì tuổi thọ giảm nhiều năm. Làm một việc thiện thì hồn vui; làm một việc ác thì phách vui vẻ (vì phách thích chết, hồn ham sống). Thường ăn ở khoan thai, điềm đạm giữ gìn, thì thân an tĩnh, tai ương họa hại sẽ không liên can với mình. Tên mình sẽ được ghi vào Sổ Sinh và tội lỗi mình được xoá đi trong Sổ Tử. Cái nguyên tắc dưỡng sinh chỉ có vậy thôi. Nếu như có thêm luyện đan, hoàn đan bổ não, biến hoá kim dịch để lưu giữ thần, thì đó là phép tắc huyền diệu thượng thừa. Trái lại, nếu ăn ngũ cốc và huyết nhục mà tu luyện, trong vạn người thì chỉ có rất ít kẻ đắc đạo. Hãy hết sức giữ giới! Lão Quân nói: «Nếu giữ đạo này của ta, bậc thượng sĩ sẽ sống thọ, bậc trung sĩ tu một nửa sẽ tránh tai họa bệnh tật, bậc hạ sĩ sẽ tránh được tai ương. Còn kẻ ngu không nắm được đạo này nên đánh mất tính mệnh. Ta chỉ nói bấy nhiêu thôi.»
- Tài năng chưa tới mà khổ sở mong tìm là làm hại; sức lực không đủ mà gượng thi hành là làm hại; buồn rầu ai oán đến nỗi tiều tụy là làm hại; vui sướng quá độ là làm hại; bôn ba vì dục vọng là làm hại; cười nói vui đùa lâu là làm hại; đi ngủ và nghỉ ngơi không đúng giờ là làm hại; ráng sức giương cung nỏ là làm hại; say mèm đến nỗi nôn mửa là làm hại; ăn no đi nằm ngay là làm hại; chạy nhảy để hơi thở khò khè hổn hển là làm hại; reo vui khóc lóc là làm hại; âm dương không giao hợp là làm hại; tích lũy các điều hại này quá mức sẽ chết sớm; chết sớm đâu phải là đạo dưỡng sinh. Cho nên, phương pháp dưỡng sinh là: không phun nước bọt ra xa, không đi bộ nhanh, tai không ráng nghe, mắt không nhìn lâu, không ngồi quá lâu, không nằm cho đến mỏi mệt, mặc thêm áo trước khi mùa lạnh đến, cởi bớt áo trước khi mùa nóng đến, chớ để rất đói rồi mới ăn, chớ ăn no quá, chớ để thật khát rồi mới uống, chớ uống quá nhiều. Hễ ăn nhiều thì đầy bụng, uống nhiều thì sinh đàm. Chớ lao nhọc quá mà cũng chớ rảnh rang nhiều quá, chớ thức dậy muộn, chớ để đổ mồ hôi, chớ ngủ nhiều quá, chớ cỡi xe cỡi ngựa nhanh, đừng ráng căng mắt nhìn xa, chớ ăn những món sinh lạnh bụng, chớ uống rượu trước luồng gió, chớ tắm nhiều lần trong ngày, chớ có chí nguyện quá xa xôi, chớ có chế tạo những đồ vật kỳ dị tinh xảo, mùa đông chớ để quá ấm, mùa hè chớ để quá mát, đừng nằm ngoài loã thể dưới trăng sao, nằm ngủ chớ để lộ vai, chớ mạo hiểm đi lúc thời tiết xấu như rất rét, rất nóng, hay nhiều sương mù. Năm vị vào miệng thì chớ dùng thái quá bởi vì chua quá hại tỳ, đắng quá hại phổi, cay quá hại gan, mặn quá hại tim, ngọt quá hại thận; đó là cái lý tự nhiên của ngũ hành vậy. Tất cả những cái gọi là làm hại này, cũng không thể nhận biết ngay được, nhưng về lâu về dài mới thấy chúng làm tổn thọ. Người giỏi bảo dưỡng thân thể có giờ giấc đi ngủ và thức dậy sớm trễ khác nhau tùy theo bốn mùa, sinh hoạt ban ngày có chế độ luôn điều hòa; biết điều dưỡng gân cốt thư thái, có phép tắc vận động; ngăn chận tật bệnh và xua trừ tà khí, có phép tắc nuốt nhả [thổ nạp, đạo dẫn] giúp khí huyết lưu thông tuần hoàn, có phép dùng thuốc bổ hư và tả thực; tiết chế sự lao động và nghỉ ngơi, có yếu quyết tăng giảm. Dằn cơn giận để bảo toàn âm khí, nén vui mừng để bảo dưỡng dương khí. Sau đó uống thuốc từ thảo mộc để bổ khuyết những tổn mất, rồi uống kim đan để trường thọ, nguyên lý trường sinh chỉ như vậy thôi.
- Sở dĩ ta phải lo âu nhiều bởi vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo lắng gì.
- Chính vì không tranh với ai, nên không ai oán trách.
- [Vì có ích nên] cây trên núi tự khiến nó bị đốn; [vì cháy được nên] mỡ tự khiến nó bị đốt sạch. Quế ăn được nên cây quế bị đốn. Cây sơn có ích nên thân bị khắc rạch [để lấy nhựa]. Ai cũng biết lợi thế của sự hữu dụng; mấy ai biết lợi thế của sự vô dụng.
- Con thú lớn dù ngoạm được một cỗ xe, nếu một mình rời khỏi núi, sẽ không tránh được hiểm họa bị đánh lưới Con cá lớn dù nuốt được một con thuyền, nếu rời nước lên cạn, sẽ bị kiến bu cắn. Cho nên điểu và thú không ghét nơi cao, cá và ba ba không ghét chỗ sâu. Ai muốn bảo toàn thân thể và sinh mệnh của mình, thì nên ẩn thân; chớ ghét nơi thâm u diệu viễn thì mới được.
- Trang Tử [và đệ tử] đi trong núi, thấy một cây lớn, cành lá sum suê. Người đốn cây đứng bên cạnh nó nhưng không đốn nó. Trang Tử hỏi tại sao, hắn trả lời: «Cây này chẳng dùng được vào việc gì.» Trang Tử bảo [đệ tử]: «Cây đó nhờ vô dụng mà an hưởng trọn tuổi trời.» Ra khỏi núi, Trang Tử ghé nhà một bạn cũ. Người bạn mừng rỡ, sai đứa ở giết ngỗng nấu đãi khách. Đứa ở hỏi: «Có con kêu, có con không biết kêu. Bẩm ông, giết con nào?» Chủ nhà trả lời: «Con nào không biết quang quác thì giết.» Hôm sau, đệ tử hỏi Trang Tử: «Hôm qua, cây trên núi nhờ vô dụng mà hưởng trọn tuổi trời. Nay con ngỗng của chủ nhà này vì không biết quang quác mà bị làm thịt. Thầy muốn ở hoàn cảnh nào?» Trang Tử cười đáp: «Chu này muốn ở chỗ trung dung giữa hữu dụng và vô dụng (giữa tài và bất tài). Nhưng chỗ trung dung đó cũng chưa phải gần với đạo, nên vẫn chưa tránh khỏi hệ lụy. Nếu ai cỡi trên đạo đức mà tiêu dao thì sẽ không như vậy. Họ sẽ vượt khỏi sự khen ngợi hay chê bai; có thể vùng lên như rồng hay lẩn tránh như rắn; tùy thời biến hóa, mà không khẳng định mình chuyên vào một thứ gì; địa vị dù lên cao hay xuống thấp, họ đều lấy sự hài hòa mà độ lượng mọi việc xung quanh. Họ phiêu bồng nơi tổ tiên của vạn vật (tức đạo), , như vậy thì làm sao mà bị hệ lụy cho được? Đó là phép tắc của Thần Nông và Hoàng Đế vậy. Còn như cái tình của vạn vật và truyền thống của nhân luân thì lại khác: hợp rồi tan, thành công rồi thất bại, liêm khiết bị dè bỉu, tôn quý bị dị nghị, hành vi tích cực bị tổn hại, hiền tài bị mưu hại, bất tài bị khinh rẻ. Các tình huống đó có chi là chắc chắn? Đáng buồn thật! Các ngươi hãy ghi nhớ: chỉ có cảnh giới của đạo và đức là tốt đẹp thôi.»
- Kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm yếu mà vẹn toàn. Núi cao nên đổ lở, giòng nước giữa hai ngọn núi vì thấp nên bình an. Cho nên ai giữ đức tính âm nhu thì sẽ không bị tai họa do tranh giành với người khác.
- Người hàm chứa đức dày thì ưu hoạn và tà khí không thể xâm nhập nổi. Cho nên không có vật gì gây thương tổn cho mình được. Trang Tử nói: «Kẻ đã vô ngã và lánh đời, thì ai mà hại cho được?»
- Biết sự tình đã hết cách sửa đổi mà lòng vẫn cứ vui vẻ chấp nhận nó, vậy là người chí đức.
- Tử Dư và Tử Tang là bạn. Mưa dầm suốt mười ngày, Tử Dư thốt: «Tử Tang ắt khốn quẫn rồi!» Bèn mang một bao lương thực đến tặng. Đến tới cửa, Tử Dư liền nghe có tiếng như ca như khóc ở bên trong. Nghe vỗ đàn và tiếng hát rằng: «Cha ơi! Mẹ ơi! Trời ư? Người ư?» Giọng bị đuối, lời ca gấp gáp. Tử Dư bước vào, hỏi: «Tại sao anh ca hát như thế?» Tử Tang đáp: «Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao tôi bị cùng cực thế này. Cha mẹ tôi lẽ nào lại muốn tôi nghèo như vầy? Trời che phủ vạn vật đâu có tư vị ai. Đất chở vạn vật cũng đâu có tư vị ai. Trời đất lẽ nào lại khiến riêng tôi phải nghèo? Tôi cứ tìm mãi nguyên nhân của cái nghèo mà tìm không ra. Tôi cùng cực thế này là do số mệnh ư?»
- Chết và sống, còn và mất, khốn cùng và hanh thông, nghèo và giàu, hiền tài và bất tài, phỉ báng và khen ngợi, đói và khát, lạnh và nóng, tất cả các biến đổi của sự vật này đều là sự vận hành của thiên mệnh. Ngày đêm chúng luân phiên thay nhau, mà ta không nhìn thấy được đầu mối của chúng. Chúng chưa đủ để khuấy rối sự yên tĩnh của ta, hoặc xâm nhập vào tâm linh của ta.
- Đời có hai phép tắc: mệnh và nghĩa. Con yêu thương cha mẹ, đó là mệnh; lòng con không thể xao lãng. Bầy tôi phụng sự vua, đó là nghĩa; họ đi đâu cũng có vua [cai trị], không thể nào chạy thoát trong cõi trời đất.
- Chết và sống là do số mệnh; sự thường hằng của đêm và ngày là do trời vậy.
- Biết rằng khốn cùng là định mệnh, biết rằng hanh thông là do gặp thời, lâm đại nạn mà không sợ hãi, đó là cái dũng của thánh nhân.
- Hiểu tình lý của cuộc sống vĩ đại, hiểu tri thức con người nhỏ bé, hiểu đạo thuận lợi, hiểu việc đời trắc trở.
- Không ai biết mình sẽ chết khi nào, thì dựa vào đâu mà nói là không có số mệnh? Không ai biết sự sống của mình đã bắt đầu thế nào, thì dựa vào đâu mà nói là có số mệnh?
- Hiểu được sự việc không thể cải đổi là do định mệnh an bài, thì thản nhiên mà chấp nhận nó; đã thế thì không lo buồn hay vui sướng. Như thế có gì mà phải thay đổi định mệnh ấy? Cho nên cứ lặng lẽ xem những gì mình gặp phải đều là định mệnh, và không động tâm giữa hai cực đoan; cứ một lòng hợp nhất với đạo, không vui sướng hay lo buồn.
- Định mệnh đâu phải cái mà ta tạo ra, nên ta không cần dụng tâm biến đổi. Cho nên kẻ an mệnh (vâng theo mệnh trời) đi đâu cũng cảm thấy tiêu dao tự tại. Tuy bị giam hãm nơi nước Khuông, nước Trần (như Khổng Tử) hay lao lung nơi Dũ lý (như Văn Vương) thì cũng [cảm thấy] chẳng có gì khác giữa chốn cung điện và nơi lao tù.
- Thánh nhân ôm giữ cái Một (Đạo), để làm mẫu mực cho thiên hạ.
- Trong sự sống của con người, tâm chuyên chở hồn và phách. Hồn là dương thần, dương thần muốn con người sống. Phách là âm quỷ, âm quỷ muốn con người chết. Cho nên Lão Tử dạy con người cách hộ vệ. Cách hộ vệ này nhằm ngăn cho vọng tâm khởi xuất và gây họa. Cách hộ vệ này chẳng qua là giữ lấy một. Một là chuyên nhất. Một lòng ôm giữ sự chuyên nhất, thì phách không có lý do gì để rời khỏi thân con người, tức là con người không thể chết.
- Chỉ khi nào ta có Một thì mới bảo tồn được tinh. Chỉ khi nào ta có tinh thì mới tập trung được thần. Một là gì? Đó là sự tiếp cận được chân tâm. Thông hiểu được Một thì thần kiên cố và tự bảo toàn. Nói có thần kiên cố và tự bảo toàn tức là nói phải có tinh rồi sau thần mới kiên cố. Chỉ khi nào người ta có chí tinh thì mới có thể có chí thần, tức là việc ôm giữ Một đã thành. Thánh nhân nhờ đã giữ Một mà thành thánh nhân. Một không thay đổi, thì cái tinh rất chân thuần sẽ được bảo tồn bên trong và sẽ không phóng túng tiết lậu ra ngoài.
- Ngươi tất muốn bảo toàn hình thể và không dao động tinh của mình, quả thực có cách thức nào để đạt được điều đó không? Thực tế, ngươi phải chuyên tập trung vào Nhất, ôm giữ nó để bảo toàn nó. Ôm giữ Nhất để củng cố nó, rồi sau đó hình thể sẽ toàn vẹn và thần sẽ phục hồi, sẽ hợp nhất với trời, tinh và thần sẽ hợp lại và không lìa nhau nữa. Kinh Dịch nói: «Đạt được Nhất.» Đạt được Nhất thì dụng tâm sẽ không bị phân tán, nên gọi là «không có hai» (bất nhị). Đạo Đức Kinh hỏi: «Phải chăng ôm giữ Nhất thì không phân ly?» Ôm giữ Nhất thì thì giỏi giữ lấy không cho nó thoát, cho nên gọi là «không phân ly» (bất ly). Trang Tử nói: «Ta giữ lấy Nhất để ở chỗ thái hòa.» Giữ nhất ắt sẽ bình tĩnh và chuyên chú, và nó không trôi mất, cho nên gọi là «không di dời» (bất thiên). Biết được 3 điều đó (bất nhị, bất ly, bất thiên), thì ngươi sẽ được Nhất (tức đắc đạo). Tuy nhiên, được Nhất thì không khó, biết được Nhất mới là khó. Hễ biết Nhất, thì cái gì cũng biết. Cho nên nói «biết ít thì sẽ được» là vậy. Không biết được Nhất, thì mọi thứ gì cũng không biết. Cho nên nói «biết nhiều thì bị nghi hoặc» là vậy. Bậc đắc đạo ngày xưa, thể hiện sự chí tinh của thiên hạ, hợp được sự chí thần của thiên hạ, siêu vượt cõi tự nhiên, và đứng một mình trên cả vạn vật. Vạn vật không đắc Nhất mà đứng thành đôi thành cặp, tuy nhiên chúng cũng không xa lìa Nhất (tức Đạo).
- Đó là nói người ôm giữ được Nhất và không để nó lìa xa mình, thì sống lâu. Nhất vốn do đạo sinh ra đầu tiên, nó là thứ tinh khí thái hòa, nên gọi là Nhất. Nhất rải khắp thiên hạ. Trời nhờ được nhất mà trong trẻo, đất nhờ được Nhất mà yên ổn, hầu và vương nhờ được Nhất mà cai trị được thiên hạ.
- Ai giữ được Nhất thì cứu độ được thế gian, tiêu trừ được tai họa, phụng sự được vua, không thể chết nổi, cai trị được gia đạo, phụng sự được thần minh, không thể nào khốn cùng, trị được bệnh, trở nên trường sinh bất tử. [...] Ngươi biết được Nhất, thì sẽ biết hết mọi sự.
- Hễ giữ được Nhất và bảo tồn Chân tính, ta sẽ giao tiếp được với thần minh. Hễ giảm dục vọng và tiết chế ăn uống, Nhất sẽ lưu lại nơi ta. Khi bị dao bén kề cổ, nghĩ đến Nhất thì ta sẽ sống. Biết Nhất không khó, chung cuộc mới là khó. Hễ giữ Nhất đừng để mất, ta sẽ không bao giờ cùng tận.
- Đạo khởi từ Nhất, sự tôn quý của nó thì không gì sánh bằng. Mọi thứ ở trong Nhất được phân thành ba đối tượng là trời, đất, và người. Cho nên mới gọi là «ba trong một» (tam nhất).
- Những đạo thuật được chỉ dẫn trong Đạo kinh thì rất nhiều, có mấy ngàn phép thuật, mà nhờ việc tập trung tư tưởng người ta có thể xua tà quái và hộ thân. Thí dụ như phép ẩn độn giấu mình, phép giả chết, phép biến hình (9 biến 12 hoá), phép chuyển sinh (24 lần sinh), v.v... cho đến phép tồn tưởng để nhìn thấy chư thần cư ngụ trong thân thể của ta. Các phép này nhiều vô kể, mà phép nào cũng hiệu nghiệm. Nhưng đôi khi cái ý nghĩ mượn vô số ngoại vật để hộ thân đều là phiền phức, làm lao nhọc tâm trí con người. Nếu như ta biết đạo «thủ Nhất» thì các phép nói trên đều vất đi hết. Cho nên mới nói hễ biết được Nhất thì sẽ biết hết mọi thứ là vậy.
- Người giữ được Nhất, thì Nhất cũng giữ được người. Thế thì gươm đao sắc bén không có chỗ để thi thố sự sắc bén của nó, trăm nguy hại không có chỗ để dung chứa sự hung ác của chúng. Ta đang ở chỗ thất bại thì sẽ thành công, đang ở chỗ nguy hiểm thì riêng mình bình an. Dù đang ở miếu quỷ, nơi núi cao rừng thẳm, trong vùng bệnh dịch, ở gò mả tha ma, trong hang cọp hay chó sói, hay nơi rắn rít độc xà, mà ta vẫn một lòng giữ Nhất, mọi tai họa hung dữ sẽ tránh xa ta.
- Bí quyết Ba-Một là: phải luyện nguyên khí và chân thần. Hễ giữ bí quyết Ba-Một đến mức tối cao, thì tinh sẽ hoá ra thần, thần sẽ hoá ra anh nhi, anh nhi sẽ hoá ra chân nhân, chân nhân sẽ hoá ra xích tử; mà xích tử tức là chân nhất (tức là Đạo).
- Muốn trường sinh thành tiên thì chỉ có ăn kim đan; còn muốn giữ được hình hài, trừ khử già nua thì chỉ có chân nhất. Chúng là các thứ mà người học đạo tiên coi trọng. Dưỡng sinh ích thọ thì có hàng ngàn phương pháp, nhưng đại đa số là gây phiền tạp và lao nhọc. Nếu biết đạo Thủ Nhất, mọi phương pháp kia đều không cần nữa.
- Nhất không có hình tượng. Nhất thì vô dục, vô vi. Ta cầu mong thì khó được; nếu có giữ lấy thì cũng dễ mất. Mất đi là do kiến thức tối tăm, do không hiểu chữ thời. Lòng đầy tham dục sẽ dẫn đến lão suy; vui do được và giận do mất sẽ dẫn đến tật bệnh; mê muội không sửa đổi sẽ dẫn đến tử vong. Suy kiệt, bệnh hoạn, và già nua, ba thứ ấy Nhất có thể làm trì hoãn. Muốn cứu chữa để bảo toàn thân thể, trước tiên ta thủ Nhất (giữ Một). Ngoài Nhất ra thì không có gì cứu chữa nổi. Ngoài Nhất ra thì không có gì thành tựu nổi. Ta thủ Nhất và điềm đạm, lòng an bình tĩnh mịch, bỏ ham muốn và sân giận, bỏ mê vọng mà quay về chân chính. Tâm rỗng không, vô vi, hợp nhất với Nhất. Như thế sẽ thành bậc thượng nhân. Được như thế là do trước tiên tích đức, sau mới tu luyện thân xác.
- Cái yếu chỉ của sự tu luyện xưa nay đều nói hễ Thủ Nhất thì có thể trường sinh bất lão. Người biết Thủ Nhất, gọi nó là đạo vô cực. Người ta có một thân, cùng hợp với tinh thần. Hình thể làm chủ sự chết, còn tinh thần làm chủ sự sống. Hình thể và tinh thần hợp lại thì tốt, tách ra thì xấu. Không có tinh thần thì ta chết. Có tinh thần thì ta sống. Thường hợp với nhau nên gọi là Nhất, có thể trường tồn. Thường lo nghĩ thì tinh thần ly tán, không tụ trong thân, trái lại còn nương theo ý nghĩ của ta mà rong chơi. Cho nên thánh nhân dạy phải Thủ Nhất, nói là phải giữ tinh thần và thể xác hợp nhất. Luôn có ý niệm đó thì tinh thần tự quay về, không bị ngoại vật (kiến văn) quấy nhiễu, trăm bệnh tự hết. Đó là đạo trường sinh cửu thị vậy.
- Hãy đạt sự hư không tới cực độ, và giữ sự yên tĩnh rất kiên định. Vạn vật cùng sinh, ta nhân đó xem chúng trở về. Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là thường hằng. Biết thường hằng mới là sáng suốt. Không biết thường hằng sẽ làm càn và gây hung họa. Biết thường hằng sẽ bao dung; bao dung thì công chính không tư vị; công chính không tư vị là vua; vua tức là Trời; Trời là Đạo; [hợp với] Đạo thì trường cửu, thân dù mất đi cũng chẳng nguy hại gì.
- Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là chủ của động.
- Không ham muốn để yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ tự ổn định.
- Động thắng lạnh, tĩnh thắng nóng. Thanh tĩnh vô vi là chuẩn tắc của thiên hạ.
- Ngươi hãy tập trung tâm trí, loại trừ tạp niệm. Đừng nghe bằng tai, mà phải nghe bằng tâm. Sau đó chớ nghe bằng tâm, mà phải nghe bằng khí. Tai không nghe âm thanh bên ngoài. Tâm không tưởng đến sự vật bên ngoài. Khí vốn hư không, nên lấy nó mà tiếp đãi sự vật. Chỉ có Đạo tập trung trong hư không. Hư không là tâm trai (chay lòng).
- Sự tĩnh lặng của thánh nhân không phải do quan niệm tĩnh lặng là tốt mà do vạn vật không quấy nhiễu nổi tâm của họ. Mặt nước tĩnh lặng soi rõ được râu và chân mày con người. Sự tĩnh lặng của mặt nước trở thành tiêu chuẩn cho người thợ làm việc. Nước tĩnh lặng còn soi sáng được huống hồ tinh thần. Tâm của thánh nhân tĩnh lặng thì thế nào? Đó là tấm gương soi của trời đất và của vạn vật. Nói chung, sự hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là sự bình lặng của trời đất và là sự tối cao của đạo đức. Cho nên đế vương và thánh nhân yên tĩnh, yên tĩnh thì hư, hư thì thực, thực là đạo lý tự nhiên. Hư thì tĩnh, tĩnh thì động, động thì được. Tĩnh thì vô vi, vô vi thì người nhận trách nhiệm sẽ có trách nhiệm.
- Thường xuyên trừ bỏ dục vọng thì tâm tự yên tĩnh, làm cho tâm tĩnh lặng thì thần tự trong trẻo.
- Đạo có trong có đục, có động có tĩnh. Trời trong đất đục, trời động đất tĩnh. Nam trong nữ đục, nam động nữ tĩnh. Đạo giáng xuống, và âm dương giao nhau sinh thành vạn vật. Trong là nguồn của đục, đục là cơ sở của trong. Ta thường thanh tĩnh thì vạn vật đều trở về trong ta.
- Không tạp niệm mà trong trẻo, giữ lấy thần mà ninh tĩnh. Thiên hạ sẽ tự trở nên công chính.
- Bậc có đạo, tuy động mà lại tĩnh, tuy rong ruổi mà khống chế được, tuy giữ an định mà vẫn ứng phó được, tuy không có gì mà vẫn cung ứng được yêu cầu của ngoại giới. Cho nên hễ ta yên tĩnh thì từ từ thanh trong, ngoại vật không thể làm cho ta đục. Hễ ta động thì từ từ phát sinh, nhưng ngoại vật không thể làm ta an định. Dịch Kinh nói: “Người đến từ từ, đi đứng an nhiên mà tự thích ứng.” Sự dụng tâm của bậc chí nhân, không phải tĩnh vì cho rằng tĩnh là tốt, không phải động vì cho rằng sinh xuất là có công, mà chỉ là vận dụng cái bản tính tự nhiên để đối đãi động và tĩnh, tự bản thân không bị tình cảm lôi kéo vì lợi hay hại, và cũng không phải lao nhọc gấp gáp. Do đó mới nói là từ từ. Họ an tĩnh rồi từ từ thanh trong, vạn vật không quấy nhiễu nổi tâm họ, cho nên ai mà làm đục họ cho được? Họ động rồi từ từ phát sinh, vạn vật không khiến cho họ âu lo được, cho nên ai mà làm cho họ an định được? An định là ngụ ý dừng lại, vì vạn vật làm cho hệ lụy nên mới dừng lại. Lẽ nào đối ứng ngoại vật lại không bị tổn thương?
- Không có gì quý bằng hư, không có gì tốt bằng tĩnh. Hư tĩnh là căn bản của vạn vật. Hư nên đủ để tiếp nhận mọi cái có thực, tĩnh nên đủ để ứng phó với mọi cái động. Cái gọi là cực chính là chỗ tột cùng mà mọi thứ bất đồng hội tụ. Cái gọi là đốc chính là chỗ tột cùng mà mọi thứ cố gắng truy cầu. Chí hư thì phải đến chỗ tột cùng, giữ an tĩnh thì cũng phải đến chỗ tột cùng, thế thì muôn hiện tượng dù phức tạp nhưng tâm ta vẫn thấu triệt, muôn sự biến đổi dù khác nhau nhưng tâm ta vẫn tĩnh lặng. Đó gọi là niềm vui của trời, không phải là người đắc đạo thì không thể có được niềm vui này.
- Đạo lấy vô tâm làm thể, lấy vong ngôn (quên lời) làm dụng, lấy mềm yếu làm gốc, lấy thanh tĩnh làm cơ sở. Hãy tiết chế ăn uống, dứt tư lự, khi tĩnh tọa phải đều hòa hơi thở, ngủ yên để dưỡng nguyên khí, tâm không chạy rong thì tính an định, hình thể không lao nhọc thì tinh giữ vẹn, thần không ưu lự thì kim đan sẽ kết thành, sau đó diệt dục đến chỗ hư không, tinh thần sẽ rất an tĩnh. Tuy không ra khỏi cửa mà vẫn đắc đạo kỳ diệu.
- Chân là sự tinh thành rất mực. Không tinh thành thì không cảm động được người khác. Cho nên hễ khóc vờ thì bi thảm mà không đau buồn, hễ giận vờ thì nghiêm mà không có uy, hễ thân thiết vờ thì tươi cười mà không hoà đồng. Sự chân thực là ở trong tâm, tinh thần động mà phát ra ngoài, cho nên sự chân thực là quý. Vận dụng nó vào đạo lý con người thì thờ cha mẹ phải kính hiếu, thờ vua phải trung trinh, uống rượu phải vui, có tang phải đau buồn. Trung trinh lấy công trạng làm đầu, uống rượu lấy vui vẻ làm đầu, thờ cha mẹ lấy tùy thuận làm đầu. Sự tốt đẹp của thành công không chỉ có một đường lối; thờ cha mẹ phải tùy thuận, bất kể phải làm gì; uống rượu phải vui, không kén ấm chọn tách; có tang phải đau buồn, không quan tâm nghi lễ. Nghi lễ là hành vi thế tục. Chân thực là nhận lãnh từ trời, nó tự nhiên mà không thể thay đổi. Cho nên thánh nhân noi theo trời mà quý sự chân thực, không câu nệ tục lệ. Kẻ ngu thì ngược lại, họ không noi theo trời, mà chỉ lo không hợp với người đời. Họ không biết quý sự chân thực. Cứ thay đổi một cách tầm thường cho hợp với đời, cho nên họ không có giá trị.
- Trâu hoặc ngựa có bốn chân, đó là tự nhiên; cột dây vào đầu ngựa và xỏ dây vào mũi trâu, đó là nhân tạo. Cho nên mới nói: đừng lấy cái nhân tạo mà tiêu diệt sự tự nhiên, đừng vì sự việc mà tiêu diệt cái đã định, đừng vì muốn có danh mà chết vì danh. Giữ kỹ chớ quên ba điều ấy chính là quay về chân tính của mình.
- Đạo bị che lấp nơi đâu, khiến có chân và ngụy? Lời bị che lấp nơi đâu, khiến có thị và phi? Đạo đi đâu khiến nó không còn nữa? Lời ở đâu khiến nó không sao hiểu được? Đạo bị sự vụn vặt che lấp. Lời bị sự hoa mỹ sáo rỗng che lấp.
Nguồn: Internet
No comments:
Post a Comment